Rái cá lớn - Lutra lutra
- Ngành: ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG
- Ngành Latin: CHORDATA
- Lớp: THÚ
- Lớp Latin: MAMMALIA
- Bộ: ĂN THỊT
- Bộ Latin: CARNIVORA
- Họ: Triết
- Họ Latin: Mustelidae
- Chi Latin:
Hình Thái: Rái cá thường có thân hình dài, mềm dẻo. Mõm ngắn, đầu hơi dẹp bề ngang. Có màng bơi da trần phủ hết ngón. Vuốt ngòn chân dài thò ra khỏi ngón nhưng ngắn và tù. Tai nhỏ, vành tai tròn có nắp che lỗ tai. Bộ lông màu xám đến nâu hung đốm hoa râm, hơi thô; phần bụng màu xám tro, họng và má phớt trắng. Lông đệm dày không thấm nước. Dài đuôi xấp xỉ nửa dài thân, đuôi dài tròn đều nhỏ dần từ gốc đến mút đuôi. Da mũi trần có viền hình chiếc đe.
Sinh thái: Thức ăn chủ yếu gồm cá, sau đến cua, ốc và một số động vật thủy sinh khác. Vùng sống và hoạt động gắn liền với các thuỷ vực (bờ biển, sông ngòi, đầm hồ, khe suối, ao) chủ yếu ở các vùng rừng núi. Rái cá thường kiếm ăn ở các vực nước trong. Rái cá đào hang làm tổ ở bờ các thuỷ vực kể trên, trong các hốc đá, hố cây hoặc sử dụng các hang đá có sẵn. ở các vùng thuỷ triều chúng hoạt động theo con nước, lúc nước lên. Vì vậy, chúng có thể hoạt động cả ban ngày nếu không bị uy hiếp. Rái cá sống theo gia đình, mỗi đàn 3 - 5 con. Nhưng khi kiếm ăn chúng có thể tập trung thành đàn trên dưới 10 - 12 con. Rái cá thường đẻ tập trung vào các tháng 2 - 4 hàng năm, mang thai khoảng 61 ngày, đẻ con trong các hốc cây, hoặc hang đất, đá, mỗi lứa 2 - 4 con. Rái cá mẹ chăm sóc con khoảng 2-3 tháng, rái cá con sống với bố mẹ cho đến khi gần thành thục hoàn toàn.
Trong Nước: Trong nước: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Lâm Đồng.
Ngoài Nước: Thế giới: Phân bố rộng ở châu Âu và châu Á.
Trạng thái bảo tồn: Trước đây rất phổ biến ở các thuỷ vực, hiện nay số lượng bị giảm sút nhiều do săn bắt lấy da lông buôn bán và môi trường sống bị suy thoái.
Sách đỏ VN: VU
IUCN: NT
ND84: IB
Giá trị: Có giá trị nghiên cứu khoa học và góp phần điều hoà số lượng cá thể các quần thể động vật, thực vật thuỷ sinh.
Nguồn: vncreatures