Chồn bay - Cynocephalus variegatus
- Ngành: ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG
- Ngành Latin: CHORDATA
- Lớp: THÚ
- Lớp Latin: MAMMALIA
- Bộ: CÁNH DA
- Bộ Latin: DERMOPTERA
- Họ: Chồn Dơi
- Họ Latin: Cynocecephalidae
- Chi Latin:
Hình Thái: Đầu rộng, tai ngắn tròn hoặc tù. Mắt to, màu nâu đỏ hay nâu lục nhạt. Màng da nối từ cổ với chi trước, chi sau tới hết các ngón chân và bao phủ tới đầu mút đuôi. Lông trên lưng và mặt mang da màu xám tro với nhiều lốm đốm màu trắng nhạt. Lông bụng và mặt dưới màng da hung đỏ hoặc nhạt hơn, không có đốm. Con cái có màu xám, con đực màu sáng hơn chuyển dần sang màu nâu, thậm chí hơi đỏ. Chiều dài chi trước và chi sau gần bằng nhau, có 5 ngón. Các ngón chân nối nhau bằng màng da tới tận gốc vuốt chân. Đuôi dài chỉ bằng khoảng 1/3 dài thân.
Sinh thái: Chồn dơi sống đơn lẻ trong các khu rừng nguyên sinh hay thứ sinh có nhiều cây gỗ to trên núi cao và vùng đất thấp. Chồn dơi hoàn toàn sống trên cây. Chúng bò trên cây giỏi nhưng chậm, có thể bay liệng từ cây này sang cây khác với khoảng cách khá xa. Hoạt động vào ban đêm. Thức ăn là quả cây rừng, trứng chim và chim non. Chồn dơi nuôi trong chuồng bằng các loại quả mềm và rau xanh như: chuối, đu đủ, cam, soài, rau diếp... Làm tổ trong bọng cây to cao 20 - 50 m. Mùa sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9. Mang thai khoảng 8 tuần. Đẻ mỗi lứa 1 con. Con sơ sinh yếu được nuôi trong túi do màng da ở phần đuôi tạo thành. Túi da mềm và ấm, con non sống trong túi đến khi tự lập. Con non chưa cai sữa, mẹ đã chửa lứa tiếp theo.
Trong Nước: Trong nước: Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.
Ngoài Nước: Thế giới: Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Indonesia, Lào, Cambodia.
Trạng thái bảo tồn: Độ suy giảm quần thể ít nhất 50% trong 10 năm gần đây do chặt phá rừng làm mất nơi cư trú của chúng. Nơi cư trú suy giảm nghiêm trọng. Diện tích phân bố mở rộng hiện nay ước tính dưới 20.000 km2; nơi cư trú giảm từ 2000 km2 còn lại dưới 500 km2
Sách đỏ VN: EN
IUCN: VU
ND84: IB
Giá trị: Loài thú quý, hiếm, đã được đưa vào Sách đỏ thế giới.
Nguồn: vncreatures